Ý kiến thăm dò
Sùi mào gà, căn bệnh chủ yếu lây qua tình dục, đã truyền sang trẻ em thế nào?
SKĐS - Xung quanh vụ việc hi hữu - hàng loạt trẻ nhỏ ở Hưng Yên bị mắc sùi mào gà nghi do cắt bao quy đầu tại một phòng khám không phép, nhiều người băn khoăn căn bệnh này lây truyền sang trẻ nhỏ như thế nào? Bởi lẽ, đường lây truyền chủ yếu được biết đến của sùi mào gà là qua đường tình dục.
Theo BS. Nguyễn Hoài Bắc, Khoa Nam học, BV Đại học Y Hà Nội, sùi mào gàlà bệnh lý ở hệ thống da và niêm mạc do một loại virus gây u nhú ở người gây nên (HPV). Virus xâm nhân nhập vào cơ thể trực tiếp qua các vết trầy xước ở trên da và niêm mạc.
Có rất nhiều cách khiến cho cơ thể của chúng ta tiếp xúc trực tiếp với virus, nhưng hoạt động tình dục vẫn được xem là đường tiếp xúc chủ yếu nhất. Các đường lây khác như bắt tay, lây qua khăn tắm, qua tắm chung buồng tắm thì rất hiếm. Do vậy, các vị trí thường hay bị bệnh là cơ quan sinh dục, hậu môn, miệng, niêm mạc mắt và mũi họng.
Virus gây u nhú ở người HPV là nguyên nhân gây nên bệnh sùi mào gà.
Còn theo BS sản khoa Lê Thị Kim Dung, Trung tâm Y tế Thái Hà, Hà Nội, nhiều người cho rằng những căn bệnh lây truyền qua đường tình dục chỉ gặp ở người lớn nhưng thực tế, trẻ em cũng có thể mắc do chính sự chủ quan của người lớn trong việc chăm sóc. Với sùi mào gà cũng vậy, ngoài đường lây truyền thống mà mọi người hay nghĩ tới (lây qua đường tình dục), lây qua can thiệp y tế, bố mẹ bị lây sang con thì còn có sự lây lan qua tiếp xúc, vệ sinh bộ phận sinh dục.
"Trẻ có thể mắc do vô tình tiếp xúc với vi rút gây bệnh, người lớn lây cho trẻ trong quá trình chăm sóc trẻ. Nếu người lớn bị nhiễm virus HPV khi tiếp xúc, chăm sóc trẻ (như rửa bao quy đầu, rửa vệ sinh cho trẻ mà không đảm bảo bàn tay sạch… đều có nguy cơ lây bệnh sang cho bé).
Những trường hợp lây nhiễm từ dụng cụ y tế chưa được vô trùng chưa được báo cáo, lý do vì bất cứ dụng cụ y tế nào khi can thiệp lên người bệnh đều phải đảm bảo tiệt trùng. Tuy nhiên, về nguyên tắc vẫn có thể xảy ra"- BS. Dung cho biết thêm.
Trẻ điều trị sùi mào gà tại BV Da liễu Trung ương.
Chưa có thuốc điều trị đặc hiệu
Theo BS. Bắc, hiện nay, bệnh sùi mào gà chưa có thuốc đặc hiệu để diệt virus gây bệnh. Việc điều trị bằng laser, đốt điện, chấm thuốc chỉ là điều trị triệu chứng (làm mất tổ chức sùi, mụn cơm, mồng cơm…) còn virus vẫn tồn tại trong cơ thể. Virus tồn tại và ẩn mình ở hệ thống niêm mạc (đường sinh dục) và lớp biểu mô của da. Chúng nằm im không hoạt động chờ khi nào có điều kiện thuận lợi như tình dục không an toàn, cơ thể suy yếu…. chúng lại hoạt động sinh sản và nhân lên để tạo thành nhú, mụn cơm, hột cơm (bệnh tái phát).
Theo các bác sĩ, ở nam giới sùi mào gà thường gặp ở rãnh quy đầu, miệng sáo, phần đầu của niệu đạo và đôi khi còn gặp cả ở da bìu. Ở phụ nữ, sùi mào gà thường xuất hiện ở vùng âm vật, âm hộ, môi lớn, môi bé và còn có thể gặp cả ở cổ tử cung. Bệnh có thể xuất hiện cả ở vùng hậu môn (cả trong và ngoài). Khi điều kiện thuận lợi như: ẩm ướt hoặc đang trong thời kỳ mang thai, bệnh sùi mào gà có thể phát triển nhanh hơn, to hơn, màu đỏ và tiết dịch có mùi hôi.
Đặc điểm của bệnh sùi mào gà là gây cảm giác khó chịu khi đi lại nhất là các trường hợp sùi mào gà phát triển to quá. Khi bị sang chấn hoặc cọ xát có thể làm chảy máu. Ngoài ra sùi mào gà cũng có thể bị bội nhiễm vi khuẩn gây sốt, hạch bẹn sưng to, nốt sùi có thể có mủ... Người bệnh sùi mào gà cần kiên trì điều trị và đặc biệt tuân thủ theo tư vấn của bác sĩ.
Tiêm phòng hiện được coi là một biện pháp hữu hiệu nhằm bảo vệ cơ thể khỏi sự lây nhiễm HPV. Tuy nhiên, nó chỉ được áp dụng cho những người được xác định là chưa nhiễm virus, còn nếu nhiễm rồi thì vacxin không có hiệu quả.
Để phòng bệnh sùi mào gà, các chuyên gia khuyến cáo người dân nên hoạt động tình dục an toàn như: tình dục chung thuỷ, dùng bao cao su đúng cách (phòng tái nhiễm). Hoạt động thể dục thể thao, ăn uống đầy đủ để nâng cao sức đề kháng của cơ thể. Tránh viêm nhiêm hoặc các bệnh nhiễm khuẩn. Thăm khám sức khoẻ định kỳ tại các cơ sở y tế.