Ý kiến thăm dò

Bạn quan tâm đến chuyên mục nào trên trang?

Truy cập

Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
411225

Ngành y tế đã sẵn sàng chủ động tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Đăng lúc: 08:05:00 13/11/2019 (GMT+7)

Ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW Về một số chủ chương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Sau đó, ngày 18/10/2019, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã ban hành Quyết định số 4888/QĐ-BYT phê duyệt Đề án ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin y tế thông minh giai đoạn 2019 - 2025. Đề án này được kỳ vọng đưa công nghệ thông tin y tế thông minh trong toàn ngành y tế có bước phát triển mới, bắt nhịp với chuyển đổi số của thế giới.
Phóng viên đã phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến để làm rõ hơn mục tiêu ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin y tế thông minh ở nước ta trong thời gian tới.
nganh-y-te-da-san-sang-chu-dong-tiep-can-cuoc-cach-mang-cong-nghiep-lan-thu-tu-1
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.
PV: Thưa Bộ trưởng, hiện nay công nghệ số đang phát triển mạnh mẽ và tác động sâu rộng đến mọi mặt của đời sống KT-XH trên toàn cầu, ngành y tế không thể đứng ngoài xu thế phát triển đó. Đối với Việt Nam, nhìn lại sự phát triển công nghệ thông tin (CNTT) trong ngành y tế, Bộ trưởng có thể nói điều gì?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Như các bạn đã biết, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực từ kinh tế, văn hóa, xã hội đến chính trị, quốc phòng, an ninh và môi trường.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Bộ Chính trị khóa XII đã chỉ đạo nắm bắt về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Hàng loạt các công trình nghiên cứu, diễn đàn, hội thảo đã được tổ chức để làm rõ bản chất, phân tích và dự báo tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tới các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Tại Nghị quyết số 23/NQ-TW, ngày 22/3/2018 về “Định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045”, Bộ Chính trị đã chỉ đạo nghiên cứu xây dựng và triển khai Chiến lược tiếp cận và chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư của Việt Nam, Chiến lược chuyển đổi số quốc gia và nhiều cơ chế, chính sách và giải pháp phát triển phù hợp với điều kiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16-CT/TTg ngày 4/5/2017 về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trên cơ sở đó, các Bộ, ngành và địa phương triển khai, xây dựng các chính sách cụ thể.
Đối với ngành y tế, thời gian qua, ngành y tế đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT, bảo đảm hạ tầng kỹ thuật để tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng dịch vụ và sự hài lòng của người dân trong lĩnh vực hành chính công, lĩnh vực khám, chữa bệnh, phòng bệnh, nâng cao sức khỏe và trong các trường đào tạo nhân lực y, dược. Đây cũng là nền tảng để triển khai thanh toán điện tử đối với các dịch vụ hành chính công, thanh toán viện phí và học phí thông qua thanh toán điện tử. Với sự quan tâm, chỉ đạo, đầu tư của Đảng và Nhà nước, sự phối hợp của các Bộ, ngành và địa phương, với sự nỗ lực của toàn ngành, việc ứng dụng CNTT y tế ở các đơn vị, địa phương đã có bước phát triển mạnh mẽ. Một số thành tựu nổi bật như: 100% các bệnh viện trên toàn quốc đã triển khai hệ thống thông tin bệnh viện, công nghệ thông tin đã được ứng dụng rộng rãi trong khám, chữa bệnh, đón tiếp người bệnh, bước đầu một số bệnh viện đã ứng dụng bệnh án điện tử, bệnh viện không giấy tờ, bệnh viện không phim...
Nhiều đơn vị đã triển khai có hiệu quả y tế từ xa (Telemedicine), nhất là Telemedicine từ các bệnh viện hạt nhân đến các bệnh viện vệ tinh ở tuyến dưới đã nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở các bệnh viện vùng sâu, vùng xa, thậm chí giúp khám, chữa bệnh được nhiều người bệnh nặng ngay tại tuyến dưới mà không phải chuyển lên tuyến trên.
Một số bệnh viện đã triển khai ứng dụng robot trong y tế: robot phẫu thuật nội soi Da vinci, robot  phẫu thuật cột sống Renaissance, robot phẫu thuật khớp gối và khớp háng Makoplasty và robot phẫu thuật thần kinh Rosa.
Một số cơ sở đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong khám chữa bệnh, như BVĐK tỉnh Phú Thọ, BVĐK tỉnh Quảng Ninh, BV Ung bướu TP. Hồ Chí Minh đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ bác sĩ ra quyết định điều trị ung thư.
Bộ Y tế phối hợp với BHXH Việt Nam đã triển khai thành công trong việc kết nối liên thông giữa các cơ sở khám chữa bệnh cả nước với cơ quan BHXH. Cho tới nay đã có 99,5% các cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước kết nối liên thông với hệ thống giám định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Một số hệ thống thông tin y tế có quy mô quốc gia đã được triển khai như: Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng, Hệ thống ngân hàng dữ liệu dược, Hệ thống thông tin quản lý chuyên ngành dân số - kế hoạch hóa gia đình, Hệ thống thống kê y tế điện tử, Hệ thống quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử,...
Trong công tác hiện đại hóa hành chính, Bộ Y tế đã đạt các chỉ tiêu do Chính phủ giao, triển khai được nhiều dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, cắt giảm nhiều thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân và các doanh nghiệp.
Tại Cơ quan Bộ Y tế, đã và đang xây dựng trung tâm dữ liệu y tế quốc gia; hình thành trục tích hợp cho các hệ thống thông tin quy mô quốc gia, xây dựng cổng dịch vụ công trực tuyến; đưa vào vận hành hệ thống thống kê y tế điện tử và hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân;... Hạ tầng kỹ thuật đang được xây dựng đáp ứng yêu cầu ứng dụng CNTT trong các cơ quan trong ngành y tế và duy trì, nâng cấp, cải tạo được mạng trục chính, mạng wifi... được thực hiện hằng năm.
Có thể khẳng định, ngành y tế đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT, bảo đảm hạ tầng kỹ thuật để tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng dịch vụ và sự hài lòng của người dân trong lĩnh vực hành chính công,
lĩnh vực khám, chữa bệnh, phòng bệnh, nâng cao sức khỏe và trong công tác đào tạo nhân lực y, dược. Kết quả ứng dụng CNTT trong y tế thời gian qua tạo bước đột phá quan trọng để chuyển đổi số hóa y tế, đặc biệt là số hóa bệnh viện, hướng tới bệnh viện thông minh;
PV: Như vậy, ứng dụng CNTT trong ngành y tế đã có bước phát triển “nhảy vọt” trong 3 năm trở lại đây. Ngành y tế đã sẵn sàng thực hiện những nhiệm vụ  để tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Như trên tôi vừa đề cập,  99,5% các cơ sở khám chữa bệnh tại 63 tỉnh/thành phố trên cả nước đã kết nối liên thông với hệ thống giám định của BHXH Việt Nam. Tôi cho đây là một thành tựu rất lớn vì các nước bạn như Nhật Bản, Hàn Quốc làm mất 10 năm, nhưng chúng ta chỉ làm trong 2 năm. Đúc rút kinh nghiệm cho thấy, sự chuyển đổi về nhận thức và cả hệ thống chính trị đã vào cuộc rất quyết liệt đã làm nên kết quả ban đầu như vậy.
Để đảm bảo thống nhất quản lý hoạt động ứng dụng và triển khai CNTT trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị sự nghiệp, ngành y tế đã sớm thành lập Cục CNTT từ năm 2012. Các đơn vị trong ngành y tế, các bệnh viện đều hình thành tổ chức chuyên trách CNTT, cán bộ phụ trách về ứng dụng CNTT và dành kinh phí cho đào tạo, ứng dụng CNTT.
Bộ Y tế đã chủ động xây dựng hành lang pháp lý. Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã ban hành nhiều thông tư nhằm đảm bảo hệ thống pháp lý về ứng dụng CNTT trong ngành y tế được xuyên suốt, chặt chẽ. Tôi chỉ đơn cử một vài ví dụ: Thông tư quy định về hoạt động y tế trên môi trường mạng; Thông tư về hoạt động y tế từ xa; Thông tư quy định Bộ tiêu chí ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ sở khám, chữa bệnh và Bộ Y tế là cơ quan đầu tiên có một thông tư tương đối đầy đủ để chuyển đổi số hóa cho hoạt động của một đơn vị cụ thể.
Căn cứ Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị Về một số chủ chương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Chỉ thị số 16-CT/TTg ngày 4/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ Về tăng cường năng lực tiếp cận cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Bộ Y tế phê duyệt Đề án ứng dụng và phát triển CNTT y tế thông minh giai đoạn 2019 - 2025 để khẳng định ngành y tế đã sẵn sàng “lên đoàn tàu cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Qua đó, góp phần xây dựng ngành y tế Việt Nam hiện đại, chất lượng, hội nhập và phục vụ nhân dân tốt nhất.
PV: Mục tiêu của Đề án phát triển CNTT y tế thông minh giai đoạn 2019 - 2025 sẽ là gì, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Mục tiêu mà ngành hướng tới đó là ứng dụng và phát triển công nghệ số, công nghệ thông minh trong y tế góp phần xây dựng hệ thống y tế Việt Nam hiện đại, chất lượng, công bằng, hiệu quả và hội nhập quốc tế; hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận thông tin y tế để sử dụng các dịch vụ y tế có hiệu quả cao và được bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe liên tục, suốt đời.
Mục tiêu 1: Xây dựng và từng bước hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh thông minh, góp phần thực hiện tốt Chương trình sức khỏe Việt Nam.
Mục tiêu 2: Đẩy mạnh ứng dụng CNTT tại các cơ sở khám, chữa bệnh góp phần cải cách hành chính và giảm quá tải bệnh viện; sử dụng hồ sơ bệnh án điện tử tiến tới không sử dụng bệnh án giấy, thanh toán viện phí điện tử, hình thành các bệnh viện thông minh.
Mục tiêu 3: Tăng cường ứng dụng CNTT trong công tác quản lý y tế, triển khai hệ thống văn phòng điện tử, cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử về thủ tục hành chính, đẩy mạnh các dịch vụ công trực tuyến mức 3,4, xây dựng nền quản trị y tế thông minh.
PV: Đề án phát triển công nghệ thông tin y tế thông minh giai đoạn 2019 - 2025 hy vọng sẽ mở ra trang mới trong quản trị y tế thông minh và chúng ta sẽ bước lên đoàn tàu công nghệ 4.0 trong tâm thế người làm chủ cuộc chơi, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Đó là điều chúng tôi rất mong muốn. Từ hy vọng đến thực tế là cả hành trình dài, trong đó quyết tâm chính trị thôi chưa đủ mà cần phải hành động thực sự. Tiếp nối kết quả đạt được trong ứng dụng CNTT ngành y tế thời gian qua, có cơ sở cho thấy ước muốn của chúng ta hành trình đi đến là có cơ sở thành hiện thực.
Cần bắt tay ngay vào triển khai nền hành chính y tế điện tử: Hoàn thiện các ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành điện tử, hạn chế việc sử dụng giấy tờ tại cơ quan Bộ Y tế và các đơn vị trong ngành. Ứng dụng phát triển giao dịch điện tử, xác thực điện tử, văn phòng điện tử ở các cơ quan, đơn vị.
Hoàn thành cổng dịch vụ công trực tuyến và hệ thống thông tin một cửa điện tử về thủ tục hành chính trong năm 2020. Tăng cường xây dựng, triển khai các dịch vụ công trực tuyến của Bộ Y tế kết nối hệ thống một cửa quốc gia, một cửa ASEAN, bảo đảm 50%  số dịch vụ công trực tuyến của Bộ Y tế có số lượng hồ sơ lớn đạt mức 3, mức 4 vào năm 2020, 100% vào năm 2025.
Triển khai thống kê y tế điện tử thu thập số liệu hoạt động của ngành y tế trên cả nước: Xây dựng phần mềm thống kê y tế triển khai trên toàn quốc.
Thực hiện trao đổi, liên thông dữ liệu giữa phần mềm Thống kê y tế và các phần mềm khác (quản lý y tế xã phường, hồ sơ sức khỏe điện tử, bệnh án điện tử). Hoàn thành cơ sở dữ liệu y tế quốc gia, ứng dụng các công nghệ thông minh để phân tích số liệu về hoạt động y tế kịp thời, chính xác, giúp dự báo về diễn biến tình trạng sức khỏe, bệnh tật trong cộng đồng, từ đó có các chính sách quản lý y tế phù hợp.
Xây dựng và phát triển hệ thống thông tin quản lý các cơ sở y tế, triển khai trên hệ thống bản đồ số, hỗ trợ người dân tìm kiếm các cơ sở y tế phù hợp được thuận lợi, dễ dàng.
Ứng dụng phân tích dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo nhằm nâng cao năng lực mã hóa lâm sàng...
PV: Thưa Bộ trưởng, triển khai Đề án ứng dụng và phát triển CNTT y tế thông minh được triển khai sẽ có ý nghĩa xã hội như thế nào?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Đề án được triển khai sẽ hình thành hệ thống phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe thông minh, giúp người dân chủ động phòng bệnh, dễ dàng tiếp cận các thông tin y tế, đồng thời được tư vấn, giúp đỡ chăm sóc sức khỏe kịp thời, hiệu quả.
Với hệ thống khám bệnh, chữa bệnh thông minh, người dân sẽ được sử dụng các dịch vụ khám chữa bệnh tiên tiến và thuận lợi, hạn chế các rủi ro, tai biến khi điều trị, tiết kiệm được thời gian và chi phí khám chữa bệnh. Hệ thống khám bệnh, chữa bệnh thông minh sẽ góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh của bệnh viện, giảm thiểu tối đa các lỗi bất cẩn của con người. Quản lý, khai thác thông tin bệnh viện nhanh chóng, hiệu quả, thuận tiện.
Hệ thống quản trị y tế thông minh sẽ giúp cho các cơ quan quản lý y tế ra quyết định chính sách kịp thời dựa trên khả năng phân tích dữ liệu lớn, quản lý, theo dõi hiệu quả hoạt động của toàn bộ mạng lưới dịch vụ y tế trên toàn quốc.
Hình thành hệ thống y tế thông minh, góp phần nâng cao hình ảnh, chất lượng dịch vụ y tế tại Việt Nam, tăng sự tin tưởng của người dân, doanh nghiệp khi sử dụng các dịch vụ y tế, hướng đến nền y tế Việt Nam hiện đại, chất lượng, công bằng, hiệu quả và hội nhập quốc tế.
PV: Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Quý Thái (thực hiện)
Theo Suckhoedoisong.vn 
0 bình luận
(Bấm vào đây để nhận mã)