Ý kiến thăm dò
Dự phòng và quản lý bệnh tại cộng đồng là một giải pháp cốt lõi trong phòng chống bệnh không lây nhiễm hiện nay
Tăng cường dự phòng, phát hiện sớm và quản lý điều trị bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng là một giải pháp cốt lõi hiện nay của công tác phòng chống bệnh không lây nhiễm, trong đó bảo đảm cơ chế tài chính và chi trả BHYT cho các dịch vụ bệnh không lây nhiễm tại tuyến xã là mấu chốt thành công của hoạt động. Đây là kết luận tại Hội nghị phòng chống bệnh không lây nhiễm khu vực phía Bắc của Bộ Y tế tổ chức tại Hà Nội ngày 25/5/2017.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long phát biểu khai mạc Hội nghị
Hội nghị phòng chống bệnh không lây nhiễm khu vực phía Bắc do GS.TS. Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì với sự tham dự của Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, các đồng chí Lãnh đạo và đại diện của các Vụ, Cục, Viện, Bệnh viện thuộc Bộ Y tế, các Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng, bệnh viện tuyến tỉnh và các đơn vị liên quan của 30 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.
Báo cáo của Bộ Y tế và các điều tra nghiên cứu cho thấy công tác phòng, chống bệnh không lây nhiễm của Việt Nam trong thời gian qua đã đạt được những kết quả quan trọng, tuy nhiên cũng còn rất nhiều khó khăn, thách thức, cần phải nỗ lực hơn nữa trong giai đoạn tới để đạt được các mục tiêu của Chiến lược quốc gia phòng chống bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm khác giai đoạn 2015-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với sự gia tăng ngày càng trầm trọng của các bệnh không lây nhiễm, chủ yếu là các bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư, bệnh phổi mạn tính và bên cạnh đó là các rối loạn tâm thần. Những bệnh này chiếm tới 66% tổng gánh nặng bệnh tật và 73% số ca tử vong hằng năm. Về yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm, năm 2015 tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới mặc dù đã giảm nhưng vẫn còn cao, chiếm 45%; hiện có tới 77% nam giới uống rượu, bia và gần một nửa nam giới uống ở mức nguy hại; hơn một nửa người trưởng thành ăn thiếu rau, trái cây và người dân ăn muối nhiều gấp hai lần so với khuyến nghị; khoảng 1/3 dân số thiếu hoạt động thể lực và tỷ lệ thừa cân béo phì tăng từ 12% năm 2010 lên gần 16% dân số trưởng thành năm 2015.
Bên cạnh đó, tuyến y tế cơ sở, đặc biệt là ở hầu hết các trạm y tế xã, phường chưa cung cấp được các dịch vụ dự phòng, phát hiện sớm, quản lý điều trị lâu dài người mắc bệnh tại cộng đồng. Vì vậy có gần 60% người mắc tăng huyết áp và gần 70% người đái tháo đường chưa được phát hiện bệnh, mới có 31% số phụ nữ 30-49 tuổi được sàng lọc ung thư cổ tử cung – là loại ung thư nhiều thứ hai ở phụ nữ, chỉ có 14% bệnh nhân tăng huyết áp, 29% bệnh nhân đái tháo đường và gần 30% người có nguy cơ tim mạch được quản lý, dự phòng và dùng thuốc theo quy định. Trên 70% số ca ung thư được phát hiện ở giai đoạn muộn làm cho kết quả điều trị không mang lại hiệu quả cao.
Ảnh: Toàn cảnh Hội nghị Phòng chống bệnh không lây nhiễm khu vực phía Bắc
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã chia sẻ bài học kinh nghiệm từ các mô hình dự phòng, quản lý bệnh không lây nhiễm, đồng thời thảo luận để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong triển khai hoạt động tại các địa phương. Tham luận của các đơn vị cũng đã đưa ra các giải pháp, đề xuất, sửa đổi, bổ sung các chủ trương, chính sách, văn bản pháp luật để tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống bệnh không lây nhiễm và các yếu tố nguy cơ. Kết luận hội nghị, GS.TS Nguyễn Thanh Long đã chỉ đạo ngành y tế, đặc biệt là các địa phương triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới để tăng cường hiệu quả công tác dự phòng, phát hiện và quản lý bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng:
Thứ nhất: Củng cố, tăng cường hệ thống giám sát, phòng chống bệnh không lây nhiễm các tuyến. Triển khai hoạt động dự phòng, phát hiện và quản lý điều trị tăng huyết áp, đái tháo đường và các bệnh không lây nhiễm khác tại cộng đồng, đặc biệt là trạm y tế xã để tăng tỷ lệ phát hiện sớm và giảm khoảng trống điều trị bệnh là giải pháp cốt lõi hiện nay của công tác phòng chống bệnh không lây nhiễm. Trong đó bảo đảm cơ chế tài chính và chi trả BHYT cho các dịch vụ phòng chống bệnh không lây nhiễm tại tuyến xã là mấu chốt thành công của hoạt động này. Các mô hình dự phòng và quản lý bệnh không lây nhiễm đang triển khai tại cộng đồng, ví dụ như tại tình Hà Nam, cần được rà soát, tổng kết đánh giá hiệu quả để có kế hoạch nhân rộng.
Thứ hai: Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế các tuyến về dự phòng và quản lý bệnh không lây nhiễm, đặc biệt là tại tuyến y tế cơ sở thông qua cung cấp các tài liệu hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật trong các lĩnh vực, tổ chức đào tạo tập huấn, đồng thời ban hành các hướng dẫn, quy định về nhiệm vụ dự phòng, phát hiện, quản lý điều trị bệnh không lây nhiễm cho từng tuyến làm cơ sở cho giao chỉ tiêu chuyên môn và kiểm tra, giám sát đánh giá hoạt động.
Thứ ba: Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nâng cao sức khỏe chú trọng vào tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân biết cách phát hiện sớm bệnh thông qua các biện pháp kiểm tra sức khỏe đơn giản như đo huyết áp, xét nghiệm nhanh đường máu, sàng lọc ung thư…, biết tuân thủ điều trị tại nhà khi mắc bệnh. Xây dựng và nhân rộng các mô hình nâng cao sức khỏe tại cộng đồng như: câu lạc bộ người bệnh không lây nhiễm, trường học nâng cao sức khỏe, nơi làm việc nâng cao sức khỏe, thành phố sức khỏe…
Thứ tư là củng cố hệ thống giám sát, triển khai phần mềm quản lý bệnh không lây nhiễm để cung cấp đầy đủ, cập nhật các thông tin số liệu theo dõi tình hình bệnh tật, các yếu nguy cơ và đánh giá kết quả các hoạt động phòng chống bệnh không lây nhiễm.
Thông qua Hội nghị này, Bộ Y tế cũng yêu cầu Sở y tế các tỉnh, thành phố tham mưu, báo cáo UBND tỉnh để lập kế hoạch, phân bổ kinh phí hằng năm cho hoạt động phòng chống bệnh không lây nhiễm tại địa phương, đồng thời tăng cường phối hợp với các cấp các ngành nhằm triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 376/QĐ-TTg ngày 20/3/2015.