Ý kiến thăm dò
Bạn quan tâm đến chuyên mục nào trên trang?
Thiếu vi chất dinh dưỡng sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng nào cho sức khỏe?
Đăng lúc: 09:11:02 25/12/2019 (GMT+7)
Theo các chuyên gia, thiếu vi chất dinh dưỡng được coi là “nạn đói tiềm ẩn”, để lại những hậu quả nghiêm trọng. Thanh toán được thiếu vi chất dinh dưỡng sẽ góp phần làm giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em.
Vi chất dinh dưỡng là gì?
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, vi chất dinh dưỡng là những chất mà cơ thể cần với lượng rất nhỏ nhưng cơ thể lại không thể tự tổng hợp được, bắt buộc phải đưa vào từ việc ăn uống.
Điều đáng nói, dấu hiệu của thiếu vi chất thường khó phát hiện nên hay được gọi là "nạn đói tiềm ẩn". Bởi lẽ, nếu không chú ý, chúng ta sẽ không biết mình có thiếu vi chất dinh dưỡng hay không.
Thiếu vi chất dinh dưỡng để lại những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe. Ảnh minh họa
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, thiếu vi chất dinh dưỡng hay gặp ở các nước nghèo, khó khăn, nước đang phát triển, khẩu phần ăn còn thiếu hụt nhiều chất dinh dưỡng. Một số vi chất thường bị thiếu như: Thiếu sắt, vitamin A, D, kẽm… Đối tượng dễ thiếu vi chất là phụ nữ đang mang thai, cho con bú, trẻ em đang tuổi lớn.
Theo nghiên cứu, khẩu phần ăn của người dân Việt Nam hầu hết không đáp ứng đủ 100% nhu cầu về các vitamin và chất khoáng. Bên cạnh đó, vi chất dinh dưỡng từ nguồn thức ăn động vật có giá trị sinh học cao hơn, cơ thể dễ hấp thu và sử dụng hơn so với thức ăn nguồn gốc thực vật, nhưng các thức ăn động vật đều có giá thành cao nên làm giảm sự tiếp cận thường xuyên của người dân với nguồn vi chất dinh dưỡng có giá trị sinh học cao đặc biệt người dân ở nông thôn, miền núi và các vùng khó khăn.
Thiếu vi chất dinh dưỡng gây hậu quả gì?
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm cho biết thêm, việc thiếu một số vi chất dinh dưỡng quan trọng như iốt, vitamin A, sắt, kẽm, mặc dù rất khó phát hiện, song có thể đưa đến những hậu quả to lớn.
Thiếu máu do thiếu sắt có biểu hiện da xanh, niêm mặc mắt nhợt hay đau đầu buồn ngủ, nếu người thiếu máu nặng có thể hoa mắt chóng mặt khi thay đổi tư thế. Thiếu máu, thiếu sắt gây hậu quả trước mắt là chậm phát triển cân nặng chiều cao ở trẻ và gây chậm phát triển trí não.
Thiếu máu, thiếu sắt ở phụ nữ mang thai làm thai nhi cũng bị thiếu máu, mẹ thiếu máu và tăng tỷ lệ tử vong sau sinh (khoảng 30% nguyên nhân tử vong ở bà mẹ sau sinh).
Thiếu vitamin D với các biểu hiện khó ngủ về đêm, ra mồ hôi trộm, tóc rụng nhiều sau đầu, có thể gây dấu hiệu tóc rụng hình vành khăn, răng mọc chậm, chậm phát triển chiều cao. Thiếu vitamin D sẽ gây ra bệnh cảnh còi xương ở trẻ nhỏ.
Thiếu kẽm gây chậm tăng cân, chiều cao. Đây còn là nguyên nhân gây suy giảm miễn dịch dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp.
Thiếu canxi hay gây đau nhức trong xương dài hay các khớp, thỉnh thoảng lãng quên nhất là ở người cao tuổi, phụ nữ mang thai hay cho con bú.
Phòng ngừa bằng cách nào?
Theo các chuyên gia, nên đa dạng các nhóm thực phẩm bổ sung dinh dưỡng hàng ngày. Ảnh minh họa
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, để phòng ngừa thiếu vi chất dinh dưỡng, điều quan trọng nhất là cần tăng cường đa dạng hóa các loại thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng trong các bữa ăn hàng ngày. Cân đối khẩu phần ăn từ 4 nhóm thực phẩm (bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất).
Bên cạnh đó, uống bổ sung vi chất dinh dưỡng là một giải pháp ngắn hạn quan trọng có thể giúp cải thiện được ngay tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng (ví dụ Chương trình uống bổ sung vitamin A cho trẻ từ 6-36 tháng)…
Đặc biệt, vị chuyên gia này nhấn mạnh, để phòng ngừa thiếu vi chất dinh dưỡng cho trẻ nhỏ, dinh dưỡng trong 1000 ngày đầu đời là rất quan trọng. Đây là giai đoạn từ trong bụng mẹ và 2 năm đầu tiên của cuộc đời.
Nếu giai đoạn này bà mẹ mang thai không dinh dưỡng tốt có thể sinh ra những cháu bé nhẹ cân, suy dinh dưỡng thấp chiều cao, suy dinh dưỡng bào thai sẽ ảnh hưởng đến giai đoạn nuôi dưỡng sau sinh. Trẻ dễ bị suy dinh dưỡng và các bệnh nhiễm khuẩn rất khó nuôi.
Theo đó, trong 2 năm đầu đời phải thực hiện nuôi sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, sau đó cho ăn bổ sung vẫn phải tiếp tục bú mẹ đến 24 tháng. Các thức ăn bổ sung cần đa dạng và đầy đủ chất dinh dưỡng, tránh nguy cơ trẻ bị thiếu vi chất dinh dưỡng.
Theo Giadinh.net.vn
0 bình luận
(Bấm vào đây để nhận mã)