Ý kiến thăm dò
Bạn quan tâm đến chuyên mục nào trên trang?
Các yếu tố làm tăng huyết áp dễ bị bỏ sót
Đăng lúc: 13:35:08 11/12/2019 (GMT+7)
Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau mang tính kinh điển gây tăng huyết áp bao gồm tiền sử gia đình mắc bệnh tăng huyết áp, thừa cân béo phì, đái tháo đường, ngưng thở khi ngủ, dinh dưỡng kém, căng thẳng, uống rượu, hút thuốc và thiếu tập thể dục...
Nhưng có nhiều nguyên nhân khác mà bạn có thể không nghe đến, nhưng chúng có thể làm huyết áp của bạn tăng cao.
Khoai tây chiên giòn - món ngon nhưng dễ đặt bạn vào nguy cơ tăng huyết áp.
Sống trong khu vực ồn ào: Khu vực bạn sinh sống được bao quanh bởi tiếng ồn, đặc biệt là vào ban đêm, cho thấy liên quan chặt chẽ với tăng huyết áp. Điều này là do tiếng ồn lớn gây căng thẳng, có thể làm gián đoạn giấc ngủ của bạn. Ngủ kém là một yếu tố nguy cơ được biết đến đối với tăng huyết áp, đó là lý do tại sao bạn nên ngủ trong môi trường im lặng và thoáng mát.
Một nghiên cứu đăng trên tạp chí chuyên ngành Y học lao động và Môi trường Occupational and Environmental Medicine đã phát hiện ra rằng, với tiếng ồn cứ tăng 10 decibel vào ban đêm sẽ làm tăng gấp đôi nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp. Rối loạn nhịp tim cũng có liên quan với tiếp xúc tiếng ồn ban đêm. Klea Katsouyanni, giáo sư về thống kê sinh học và dịch tễ học tại Đại học Athens, Hy Lạp nói rằng đây là một trong những nghiên cứu đầu tiên cho thấy tiếng ồn ngoài trời có thể không tốt đối với sức khỏe tim mạch.
Thu nhập thấp: Làm việc với một công việc căng thẳng đi kèm mức lương thấp có thể làm cho huyết áp tăng lên. Có thể cơ chế gây ra tăng huyết áp do công việc căng thẳng đi kèm mức lương thấp là stress hay căng thẳng không được kiểm soát. Căng thẳng mạn tính có thể dẫn đến tăng huyết áp, ngay cả khi bạn bị stress trong một thời gian ngắn, cũng có thể làm tăng huyết áp. Sự tăng đột ngột huyết áp cũng có thể làm tăng nhịp tim và các biến cố tim mạch. Ngoài ra, căng thẳng mạn tính làm mức đường trong máu của bạn tăng lên, ngay cả khi bạn không bị bệnh đái tháo đường, sẽ có sự gia tăng mức đường trong máu khi bạn bị stress. Tình trạng này chủ yếu do việc tăng giải phóng epinephrine trong cơ thể khi bị stress. Để đối phó với stress trong cuộc sống hàng ngày, hãy học cách thay đổi những kỳ vọng của bạn và bạn phải tìm kế hoạch tốt hơn để giải quyết các vấn đề. Tìm ra nguyên nhân gây nên stress và tránh chúng. Thử các bài tập thư giãn, chẳng hạn như yoga, thiền và thở sâu để giảm bớt stress.
Ăn thức ăn mặn kèm với thực phẩm ngọt: Ăn thực phẩm nhiều đường hay thức ăn mặn thì rõ ràng không tốt, nhưng khi bạn kết hợp các thực phẩm có đường và mặn như khoai tây chiên lát nhỏ nhúng vào sữa chua hoặc socola, bạn đang tạo ra một sự kết hợp chết người. Đường làm cho cơ thể giữ thêm muối và làm cho bạn thèm ăn thức ăn mặn hơn, có nghĩa là bạn ăn nhiều hơn.
Chỉ cần giảm chút ít muối (natri) trong chế độ ăn uống có thể làm giảm huyết áp từ 2-8mmHg. Nói chung, hạn chế lượng muối dưới 2.300mg mỗi ngày hoặc ít hơn. Đừng thêm muối, chỉ cần 1 muỗng cà phê muối đã có 2.300mg natri, nhưng bạn nên hạn chế dưới 1.500mg nếu bạn đang tăng huyết áp. Để hạn chế lượng natri, hãy nhớ đọc nhãn thực phẩm trước khi mua bất cứ thứ gì. Bạn cũng nên loại bỏ thực phẩm chế biến từ chế độ ăn uống của bạn để kiểm soát huyết áp. Tránh thêm muối khi nấu các món ăn hàng ngày. Điều quan trọng cần lưu ý là nên giảm lượng natri dần dần vì giảm đột ngột có thể gây ra các biến chứng.
Môi trường ô nhiễm: cũng là một yếu tố góp phần lớn gây tăng huyết áp. Mặc dù tránh ô nhiễm không khí là không thể, nhưng bạn có thể thực hiện các biện pháp phòng ngừa cần thiết để giảm sự phơi nhiễm như ở trong nhà vào những ngày ô nhiễm cao và tránh tập thể dục hoặc đi bộ gần những con đường đông đúc ô nhiễm khói bụi.
Dùng nhiều cà phê hàng ngày: Khi bạn cảm thấy mệt mỏi, bạn sẽ muốn dùng cà phê để tỉnh táo, điều đó là tốt. Tuy nhiên, cà phê là một chất kích thích và làm tăng huyết áp của bạn. Huyết áp cao gây ra bởi caffein có thể dẫn đến các thiệt hại theo thời gian. Cố gắng không uống nhiều hơn một cốc cà phê một ngày và tránh thức uống chứa nhiều năng lượng và có hàm lượng caffein cao.
Nhiệt độ lạnh của mùa đông: làm cho mạch máu co lại và làm tim bạn hoạt động tăng hơn, góp phần làm tăng huyết áp. Tránh đi chơi ngoài trời trong những ngày lạnh lẽo.
Khoai tây: là thức ăn an toàn và ngon miệng. Tuy nhiên không chỉ là khoai tây chiên, khoai tây dưới mọi hình thức chế biến có thể đặt bạn vào nguy cơ của tăng huyết áp. Nghiên cứu 187.500 người tham gia trên ba nghiên cứu dài hạn của Bệnh viện Phụ nữ Brigham và Trường Y tế công cộng Harvard cho thấy, những người ăn bốn hoặc nhiều hơn khẩu phần khoai tây mỗi tuần có thể có nguy cơ cao hơn 11% của tăng huyết áp so với những người hiếm khi hoặc không bao giờ ăn khoai tây. Khoai tây có chỉ số đường huyết cao, có nghĩa là chúng có thể gây ra lượng đường trong máu tăng lên. Đường trong máu liên quan đến huyết áp. Bạn không cần phải loại bỏ hoàn toàn khoai tây trong chế độ ăn, nhưng bạn có thể tiêu thụ chúng có kiểm soát.
TS.BS. Lê Thanh Hải
Theo Suckhoedoisong.vn
Theo Suckhoedoisong.vn
0 bình luận
(Bấm vào đây để nhận mã)