Ý kiến thăm dò
Những điều lưu ý sau uống ARV phòng, chống phơi nhiễm HIV
Như tin đã đưa, ngày 30/6/2017 tại địa phận xã Đắk Hring, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum đã xảy ra vụ tai nạn giao thông do 2 xe khách đâm nhau khiến nhiều người thương vong trong đó có 1 nạn nhân tử vong ngay tại chỗ. Nhiều cán bộ y tế, công an và người dân đã tích cực tham gia cấp cứu và cứu nạn trong vụ tai nạn này mà không kịp sử dụng các biện pháp phòng hộ. Trong số các nạn nhân tử vong có một người nhiễm HIV và tình trạng nhiễm HIV của nạn nhân này chỉ được biết sau khi cứu nạn và cấp cứu cho bệnh nhân. Báo Tuổi trẻ có cuộc phỏng vấn TS. Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS
TS. Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS trả lời phỏng vấn
1. Sau uống ARV thì người phơi nhiễm HIV cần làm thêm gì?
Trả lời:
- Việc điều trị dự phòng sau phơi nhiễm HIV kéo dài liên tục trong thời gian 28 ngày. Trong thời gian này, họ cần được tư vấn để theo dõi về tác dụng phụ có thể có của thuốc ARV. Không nên ngừng điều trị khi có tác dụng phụ nhẹ và thoáng qua. Nếu có các tác dụng phụ nặng cần đến các cơ sở y tế ngay. Những người đang điều trị cũng được tư vấn hỗ trợ tâm lý, tư vấn tuân thủ điều trị.
- Việc xét nghiệm HIV sẽ được làm lại sau 3 tháng theo quy định tại Quyết định số 3047/QĐ-BYT ngày 22/7/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế. Người phơi nhiễm được khẳng định không nhiễm HIV nếu kết quả âm tính khi xét nghiệm tại thời điểm sau 3 tháng.
- Cần lưu ý rằng, mặc dù nguy cơ lây nhiễm là thấp, nhưng những người bị phơi nhiễm HIV chưa loại trừ khả năng đã nhiễm HIV, do vậy họ phải tiến hành các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV như không được cho máu, không sử dụng chung bơm kim tiêm khi tiêm chích, sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục và nếu là phụ nữ đang nuôi con nhỏ thì không cho con bú cho đến khi khẳng định không nhiễm HIV.
- Theo quy định tại Quyết định số 265/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ qui định về chế độ đối với người bị phơi nhiễm do tai nạn rủi ro nghề nghiệp, những người bị phơi nhiễm HIV do rủi ro nghề nghiệp được nghỉ việc 20 ngày hưởng nguyên lương và phụ cấp để điều trị dự phòng. Tuy nhiên nếu những người dùng thuốc mà khỏe mạnh, họ có thể đi làm bình thường nếu muốn. Những trường hợp có phản ứng phụ của thuốc như dị ứng, mệt mỏi nhiều cần đến cơ sở y tế để được tư vấn và có thể đổi phác đồ điều trị.
2. Nếu sau này, có các trường hợp tương tự, những người cứu nạn không phải người làm nhiệm vụ mà bị phơi nhiễm thì giải quyết như thế nào?
Trả lời: Mặc dù quy định hiện hành thì thuốc ARV chỉ cấp miễn phí cho những người bị tai nạn rủi ro nghề nghiệp, tuy nhiên, quan điểm của ngành Y tế là luôn sẵn sàng hỗ trợ tối đa đối với những người có hành động dũng cảm, tích cực cứu người bị nạn. Do vậy, Bộ Y tế sẽ tìm kiếm nguồn thuốc ARV để cấp miễn phí cho những người phơi nhiễm với HIV như trong trường hợp này.
Các đơn vị y tế khi gặp những trường hợp tương tự cần báo cáo ngay cấp trên và báo cáo về Bộ (Cục Phòng, chống HIV/AIDS) để được hướng dẫn. Trong thời gian tới Bộ Y tế sẽ có hướng dẫn các tỉnh, thành phố để thực hiện vấn đề này.