Ý kiến thăm dò

Bạn quan tâm đến chuyên mục nào trên trang?

Truy cập

Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
411225

Nhiều khó khăn trong phát triển vườn thuốc nam ở trạm y tế

Đăng lúc: 00:00:00 05/06/2017 (GMT+7)

(THO) - Bộ Y tế đã có chủ trương khuyến khích phát triển mạng lưới y dược học cổ truyền nhằm nâng cao hiệu quả và đa dạng hóa các loại hình chăm sóc sức khỏe nhân dân, trong đó đặc biệt chú trọng việc xây dựng vườn thuốc nam mẫu và tuyên truyền, giới thiệu về cây thuốc nam tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Vườn thuốc nam cũng là một trong những tiêu chí bắt buộc khi chấm điểm xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Tuy nhiên hiện nay, việc xây dựng và duy trì vườn thuốc nam tại trạm y tế chưa đạt như mong muốn.

Trạm Y tế xã Thành Minh (Thạch Thành), là điểm sáng của tỉnh trong xây dựng vườn thuốc nam mẫu với 100m2, hơn 60 cây thuốc các loại theo danh mục quy định của Bộ Y tế. Vườn thuốc được cán bộ y tế chăm sóc chu đáo, luôn xanh tốt, là nguồn dược liệu hỗ trợ điều trị đông tây y kết hợp cho người bệnh. Chỉ vào từng cây thuốc, ông Nguyễn Văn Mười, trạm trưởng trạm y tế xã cho biết: Cây sim tắm chữa ngứa; cây bồ công anh chữa tắc tia sữa; cây má đề chữa lợi tiểu, viêm đường tiết niệu; cây hương phụ trừ đờm, tiêu thực, giảm đau; cây bố chính sâm chữa bổ khí huyết... Nhờ những cây thuốc này mà người dân đến với trạm để khám, điều trị bệnh ngày càng nhiều, nhất là những người cao tuổi mắc bệnh mãn tính, người bị biến chứng bệnh. Anh Nguyễn Xuân Thanh, 42 tuổi ở thôn Lộc Phượng 2, xã Thành Vinh bị liệt dây thần kinh số VII ngoại biên điều trị bằng thuốc tây không khỏi, nhưng  chỉ sau vài tháng dùng lá xoa bóp, xông, bấm huyệt tại Trạm Y tế xã Thành Minh đã khỏi bệnh. Còn chị Nguyễn Thị Tình, ở thôn Minh Quang, xã Thành Minh bị sỏi thận đang điều trị tại trạm y tế thường xuyên sử dụng thuốc nam chia sẻ: Cán bộ trạm y tế luôn căn dặn chúng tôi mỗi khi đến khám bệnh về những loại cây thuốc nam và cách sử dụng. Bệnh của tôi được cán bộ y tế tư vấn hướng dẫn uống nhiều nước, ăn uống điều độ, dùng kim tiền thảo, ké hoa vàng, cẩu tích, bổ cốt toái, râu ngô, má đề, cỏ tranh... sắc uống thường xuyên, hiện trạng bệnh có tiến triển tốt.

Tuy nhiên, việc xây dựng vườn thuốc nam mẫu bài bản như ở Trạm Y tế xã Thành Minh còn ít. Ông Lê Việt Hùng, Giám đốc Trung tâm Y tế TP Thanh Hóa, cho biết: Trên địa bàn thành phố có 37 trạm y tế phường, xã nhưng chỉ khoảng một nửa số trạm y tế có vườn thuốc nam theo đúng quy định bởi thiếu quỹ đất, một số trạm có vườn thuốc nam, nhưng không đầy đủ chủng loại, số cây thuốc theo quy định. Việc ứng dụng thuốc nam vào điều trị ở nhiều trạm y tế còn khó khăn do thiếu trang thiết bị và thiếu đội ngũ cán bộ chuyên khoa y học cổ truyền; kinh phí cho hoạt động y tế phường, xã mới chỉ bảo đảm lương và một số hoạt động hành chính chuyên môn cơ bản, không có dư cho hoạt động y học cổ truyền nói chung và vườn thuốc nam nói riêng... Đối với tuyến y tế miền núi, việc xây dựng vườn mẫu thuốc nam cũng chưa được chú trọng, hiệu quả mang lại vẫn chưa được như mong muốn. Ông Đỗ Thanh Thủy, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lang Chánh cho biết, huyện mới chỉ có 5 vườn thuốc nam đạt tiêu chuẩn theo quy định/tổng số 11 trạm y tế (trong năm 2017 phấn đấu có thêm 2 vườn thuốc nam); hơn nửa số trạm còn lại có vườn thuốc nam, nhưng không đầy đủ số cây thuốc theo quy định.

Theo quy định của Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2 thì đối với vườn thuốc nam phải bảo đảm đủ 9 nhóm cây với 40 loại, trị được 7 chứng bệnh thông thường như chứng cảm mạo, thương hàn, viêm họng, thanh nhiệt, tiêu viêm, sốt xuất huyết, đau nhức cơ xương khớp...; đồng thời phải có bảng hướng dẫn về công dụng của từng cây thuốc để người dân tìm hiểu. Tuy nhiên, qua khảo sát, hiện nay vườn thuốc nam mẫu ở nhiều trạm y tế chưa đạt yêu cầu. Hạn chế lớn nhất chính là ở chỗ vườn thuốc nam chưa được quan tâm chăm sóc tốt. Ở không ít vườn thuốc, tuy có nhiều loại cây nhưng thiếu cây thuốc quý; một số trạm trồng đủ 40 cây thuốc nhưng không đủ các nhóm cây thuốc theo quy định; một số trạm trong vườn thuốc nam, nhiều cây thuốc chỉ có bảng tên và hướng dẫn sử dụng thuốc còn cây thuốc đã bị chết khô... Chính vì vườn thuốc nam chưa được quan tâm chăm sóc tốt tại trạm y tế nên công tác phổ biến để người dân trồng và sử dụng thuốc nam chưa cao. Trong khi mục đích hướng tới của việc duy trì và phát triển vườn thuốc nam tại trạm y tế là khuyến khích người dân sử dụng nam dược trong điều trị một số bệnh thường gặp.

Ông Phạm Văn Phượng, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: Hiện tại, toàn tỉnh đã có 435/637 trạm y tế có vườn thuốc nam cơ bản có đủ diện tích, chủng loại cây, tại mỗi loại cây thuốc đều có bảng ghi tên khoa học, tên thường gọi, bộ phận sử dụng và công dụng của cây thuốc, được chăm sóc thường xuyên bảo đảm cây thuốc phát triển tốt; các xã khác mặc dù đã quy hoạch được vườn thuốc nam nhưng cây trồng thiếu chủng loại, chất lượng cây kém, không phát huy tác dụng, còn hình thức, đối phó, nhiều trạm duy trì vườn thuốc nam cho có để chấm điểm chứ chưa thực sự phát huy hiệu quả. Trong các đợt thẩm định công tác duy trì xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế để đánh giá các hoạt động bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, một trong những vấn đề nhiều trạm y tế bị trừ điểm  là việc duy trì và phát triển vườn thuốc nam.

Việc xây dựng vườn thuốc nam mẫu có ý nghĩa vô cùng to lớn, không chỉ giới thiệu về cây thuốc nam và cách sử dụng, mà còn có tác dụng khuyến khích người dân nhân giống các loại cây này trong vườn nhà mình để sử dụng khi cần. Vườn thuốc còn tạo điều kiện để các trạm kết hợp giữa y học hiện đại với y học cổ truyền vừa giúp đạt hiệu quả cao trong việc điều trị bệnh, vừa tiết kiệm được chi phí cho nhân dân. Ngành y tế cần tiếp tục triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về lợi ích của việc khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền, phát triển vườn thuốc nam cần được các trạm y tế, chính quyền địa phương ưu tiên hàng đầu, tiếp đến là đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao tay nghề cho đội ngũ lương y, lương dược cũng cần phải được đầu tư đúng mức.