Ý kiến thăm dò
Bạn quan tâm đến chuyên mục nào trên trang?
“Nếu không chăm lo công tác dân số, chúng ta sẽ phải chịu gánh nặng về cơ cấu dân số, chất lượng dân số trong tương lai”
Đăng lúc: 16:20:35 18/11/2019 (GMT+7)
Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiêm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã nhấn mạnh như vậy tại Tọa đàm Nâng cao chất lượng dân số trong tình hình mới do Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) phối hợp với Báo Đại biểu nhân dân tổ chức sáng nay (18/11).
Theo ông Bùi Sỹ Lợi, trong nửa thế kỷ qua, đất nước chúng ta đã thực hiện chính sách DS-KHHGĐ. Có thể nói, đây là một thành tựu vĩ đại. Chúng ta đã đảm bảo được mức sinh thay thế trong vòng hơn 10 năm qua.
Tuy nhiên, hiện nay bối cảnh công tác dân số đã có nhiều thay đổi. Nước ta đã đạt ngưỡng 100 triệu dân, chất lượng dân số từng bước được nâng lên. Thế nhưng, so với yêu cầu thực tiễn cuộc sống, đáp ứng tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quá trình hội nhập thì chất lượng dân số này vẫn rất đáng suy nghĩ.
Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiêm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội phát biểu tại Tọa đàm.
Ảnh: Duy Thông
Ảnh: Duy Thông
Cụ thể, tuổi thọ trung bình của người dân được nâng lên nhưng sức khỏe chưa đáp ứng yêu cầu; tỷ lệ thấp còi trẻ em Việt Nam cũng rất đáng lưu ý. Hơn nữa, Việt Nam bắt đầu xuất hiện câu chuyện cơ cấu chất lượng dân số "rất có vấn đề".
Theo Phó Chủ nhiêm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, dù chúng ta đã có nhiều chính sách về chăm sóc cho thế hệ tương lai nhưng với đồng bào dân tộc, miền núi, vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo, do điều kiện địa lý tác động nên vẫn còn gặp rào cản lớn. Bên cạnh đó, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đang có xu hướng gia tăng, rất đáng báo động…
Đặc biệt, đánh giá bối cảnh công tác dân số hiện nay, ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh: "Công tác tổ chức bộ máy làm dân số đang có vấn đề. Vấn đề ở đây là bộ máy dân số của chúng ta "nhập - tách, nhập - tách" rất nhiều. Tôi gọi đó là không ổn định và chúng ta không làm được cái định hướng để làm sao cho thống nhất quản lý định hướng về mặt chuyên môn cho tốt".
Đề cập thêm về bộ máy làm công tác dân số ở địa phương, ông Nguyễn Văn Tân - nguyên Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục DS-KHHGĐ cho biết: Những năm vừa qua Việt Nam đã có quá nhiều sự thay đổi trong cơ cấu tổ chức dân số. Chúng ta đã xử lý bộ máy tổ chức dân số một cách cơ học. Cấp huyện trở xuống đang bị "teo lại" và nảy sinh gây nhiều khó khăn trong việc triển khai công tác dân số.
Toàn cảnh Tọa đàm. Ảnh: Duy Thông
Mặt khác, cán bộ dân số nhập vào trạm y tế xã dẫn đến sự khủng hoảng của đội ngũ cán bộ dân số ở địa phương. Quyết định đưa 11 ngàn cán bộ dân số chuyên trách cấp xã vào viên chức ở các trạm y tế xã khiến mỗi năm tiêu tốn một lượng lớn cho quỹ lương cán bộ dân số này. Tuy nhiên, hiệu quả thực hiện lại không cao do quản lý điều hành bị thay đổi.
Bên cạnh đó, nội dung của dân số thay đổi rất nhiều do quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, cán bộ làm công tác dân số phải giải quyết toàn bộ các vấn đề của dân số như làm sao để cân bằng được giới tính khi sinh, nâng cao chất lượng dân số... Vì vậy, có nhiều nội dung trong công tác dân số phải đào tạo lại kiến thức cho cán bộ dân số cho phù hợp với tình hình hội nhập toàn cầu.
Theo ông Bùi Sỹ Lợi, để công tác dân số phát huy hiệu quả một cách tốt nhất, tổ chức bộ máy làm dân số phải được ổn định. Tuy nhiên, không nên nghĩ rằng, ổn định là có biên chế hay tăng biên chế, mà ổn định ở chỗ, giảm biên chế nhưng chất lượng cán bộ dân số của chúng ta tốt lên.
Để làm được điều này, công tác truyền thông phải được đẩy lên. Bộ máy phải được củng cố chứ không thu hẹp. "Nếu không chăm lo công tác dân số, chúng ta sẽ phải chịu gánh nặng về cơ cấu dân số, chất lượng dân số trong tương lai", ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, vấn đề dân số tác động rất lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Đây chính là cửa ngõ xung yếu để quốc gia phát triển bền vững, tồn tại lâu dài. Do vậy, việc phát triển dân số trong tình hình mới không chỉ có tầm quan trọng với quốc gia mà còn là vấn đề có ý nghĩa quan trọng với từng gia đình và mỗi cá nhân.
Trước những thách thức về công tác dân số trong tình hình mới, ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW.
Theo GS.TS Nguyễn Đình Cử - nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội (Đại học Kinh tế quốc dân), Nghị quyết 21 có thể coi là Nghị quyết về Dân số và Phát triển. Cụ thể, nội dung Nghị quyết chỉ rõ: "Tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ KHHGĐ sang Dân số và Phát triển. Công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo đảm phát triển nhanh, bền vững".
Theo đó, Nghị quyết 21 là văn bản hết sức quan trọng. Tinh thần và nội dung của Nghị quyết là kim chỉ nam cho công tác dân số ở nước ta từ nay về sau, đưa chính sách dân số sang một trang phát triển mới.
Mai Thùy
Theo Giadinh.net.vn
0 bình luận
(Bấm vào đây để nhận mã)